]Thường người ta hay gọi là phim nghệ thuật và phim thị trường, nhưng tôi muốn gọi là phim “sang trọng” và phim “bình dân”.



[05.09.12] Phim “sang trọng”, phim“bình dân” Image

“Cưới ngay kẻo lỡ” không ít những chi tiết “tự nhiên chủ nghĩa”.


Phim “sang trọng” tạm gọi là những phim làm để dự các liên hoan phim, để
tác giả bộc lộ và thỏa mãn cái tôi của mình tối đa nhất, nhưng lại
thường bị khán giả lạnh nhạt. Phim “bình dân” lấy mục tiêu doanh thu là
cao nhất, tôn khán giả là “thượng đế” và để “móc túi” khán giả thì nhiều
đạo diễn phải thỏa hiệp với nhà sản xuất, hy sinh bớt “cái tôi” khi làm
phim.

Khi Charlie Nguyễn làm phim “Cưới ngay kẻo lỡ” cực tệ về mặt nghề và có
những chi tiết, đoạn thoại rất thô thiển thì ít ai dám chê, phải chăng
vì trước đó Charlie Nguyễn đã đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại giải
“Cánh diều” (giải cá nhân mà chính Charlie cũng ngạc nhiên, sao làm phim
dở thế mà lại được!) với phim “Long ruồi” – phim “bình dân”. Nhưng
“Long ruồi” có doanh thu “khủng” nhất phim Việt từ trước tới nay (trên
42 tỉ đồng) và “Cưới ngay kẻo lỡ” cũng thắng, dù doanh thu không bằng
“Long ruồi”.

Trước đó, một loạt những phim như “Hello, cô Ba” từng được coi là thảm
họa phim Việt, rồi xa hơn chút nữa là “Khi đàn ông có bầu” lại vô cùng
đông khách. Ngay đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khi làm “Đẹp từng centimet” cũng
bị báo chí “phê” te tua, nhưng phim vẫn hút bà con. Thế nên, khi một
phim “bình dân” ra mắt mà bị báo chí “nện” tả tơi như “Nàng men chàng
bóng” không lạ, nhưng “chê” đến mức hắt nước đổ đi thì có gì đó “không
bình thường”. Không bình thường vì tại sao nó bị chê dữ dội như vậy,
trong khi những phim trước đó “bình dân” chả kém lại không chịu chung số
phận như thế? Phải chăng có những đạo diễn “bất khả xâm phạm”, vì quan
hệ tốt với truyền thông? Giữa những đạo diễn thường xuyên có “chiến
tranh lạnh” với nhau, nhưng không thể chê “phim anh bình dân, còn phim
tôi sang trọng” được.


Điện ảnh Việt phải chăng chỉ cần phim “sang trọng”?

Một nền điện ảnh không chỉ cần có phim “sang trọng”, mà cũng rất cần có
phim “bình dân”. Vì phim không có người xem thì làm phim để làm gì? Chả
thế mà đạo diễn Lê Hoàng từ chỗ làm phim “sang trọng” như “Ai xuôi vạn
lý”, “Lưỡi dao”, nhảy sang làm phim “bình dân” và cũng thắng lớn như
“Gái nhảy”, “Lọ lem hè phố” và khi đó, ông luôn nhấn mạnh phim phải có
khán giả, người làm phim đừng cao đạo!

Một nhà sản xuất phim Hàn Quốc sang VN từng nói, nước ông kính trọng
những đạo diễn tài năng như Kim Ki Duk, nhưng không khuyến khích nhiều
người đi theo con đường đó, vì nếu thế điện ảnh Hàn sẽ không có đông
khán giả xem phim!
Điện ảnh Việt cần phim “bình dân”, nhưng “bình dân” quá lại bị “nện”, dù
sau này có doanh thu cao! Đó là một nghịch lý khi có sự chênh lệch về
khả năng thưởng thức một bộ phim ở những lớp khán giả khác nhau về độ
tuổi, thành phần. Có điều phim “bình dân” cũng phải nâng cấp hơn, làm kỹ
hơn.

Và để bớt dần những phim hài giải trí “bình dân” có nhiều sạn đi, không
chỉ là lỗi của đạo diễn, hay nhà sản xuất, mà sâu xa nằm ở vấn đề văn
hóa xem phim, văn hóa biết thưởng thức điện ảnh, mà điều này thì ở các
nước, trẻ em đã được giáo dục điện ảnh để hiểu về bộ môn nghệ thuật này
từ trong trường.



Việt Văn/Lao động