Trung Quốc xả lũ đã đưa nước ngọt vượt qua biên giới Campuchia, đẩy mặn ra khỏi nhiều tuyến sông ở miền Tây.
Trao đổi với phóng viên Zing.vn sáng 2/4, ông Lai Ngọc Ẩn -Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết nước ngọt do Trung Quốc xả lũ đã được ngành chức năng ghi nhận vượt qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Có thể ngày 4/4, nước ngọt sẽ về tới Bạc Liêu nhưng có thể không nhiều vì địa phương này nằm gần cuối nguồn.

"Nước ngọt do Trung Quốc xả lũ có thể giải hạn cho các tỉnh gần biển như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang. Tỉnh Bạc Liêu cũng có nước ngọt về nhưng không hi vọng nhiều", ông Ẩn nói.

Nước ngọt từ thượng nguồn đã về đến miền Tây Han_man

Một cánh đồng đất nứt toác ở xã Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: Việt Tường.
Trong khi đó, hiện nước mặn đã bị đẩy khỏi các tuyến sông ở Cần Thơ. Tại An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng), vào cuối tháng 3 mặn xâm nhập 4‰ nhưng hiện không còn và mặn bị đẩy xa thêm khoảng 20 km xuống khu vực Đại Ngãi của huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết hai ngày qua, nước mặn từ 4-6‰ tại Đại Ngãi đã giảm xuống còn 0,6‰. Cống ngăn mặn tại đây đã mở để lấy nước được cho là “ngọt” để cứu khoảng 2.000 ha lúa xuân - hè.

"Từ Đại Ngãi xuống thị trấn Long Phú khoảng 20 km, hi vọng trong vài ngày tới nước mặn tại Long Phú sẽ giảm để mở cống lấy nước ngọt", ông Việt nói.

Theo Cục Thủy lợi, mực nước trên dòng chính sông Mekong đang tăng lên. Tại các trạm chính ở vùng thượng và trung lưu đang ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-2 m; các trạm vùng hạ lưu cao hơn 0,01- 0,2 m.

Dự báo ngày 5/4, lưu lượng tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng đạt mức cao nhất với lưu lượng trung bình ngày tại Tân Châu khoảng 3.200-3.500 m3/s, Châu Đốc khoảng 600-750 m3/s.

Theo quy luật dòng chảy các năm gần đây thì hồ chứa từ Trung Quốc còn tiếp tục xả, do đó giá trị lưu lượng này khả năng còn tiếp tục duy trì đến cuối tháng 4. Tuy nhiên, lưu lượng lớn nhất tại trạm Tân Châu (sông Tiền) vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2014 và 2015; tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) tương đương năm 2015, nhưng thấp hơn năm 2014.

Theo dự báo, từ nay tới cuối tháng 4, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần. Riêng hệ thống sông Đồng Nai, Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau - Kiên Giang, độ mặn cao nhất có khả năng sẽ xuất hiện vào nửa đầu tháng 4, sau đó giảm dần.

http://news.zing.vn/nuoc-ngot-tu-thuong-nguon-da-ve-den-mien-tay-post638906.html