Hãy coi Bale là tấm gương cho cầu thủ Anh Bale


HÃY COI BALE LÀ TẤM GƯƠNG CHO CẦU THỦ ANH

“Đội tuyển Anh luôn kiêu ngạo trước khi họ làm được bất kỳ thứ gì cụ thể”. Đấy là lời đả kích mang đầy thách thức mà Gareth Bale đã nói ĐT Anh trước trận. Có lẽ khi ấy Gareth Bale quên mất biệt danh của Anh là “Tam sư”.

Những lời nói của anh như nhát dao đâm vào lòng tự ái của con sư tử, và khi một con sư tử bị tổn thương thì sức mạnh của nó là khủng khiếp nhất. Tuy vậy, nếu ai đó vẫn tin rằng thứ sức mạnh ấy ở ĐT Anh sẽ tồn tại mãi trong kỳ EURO này, và sự lạnh lùng của Bale sẽ biến mất thì e rằng đấy là một kết luận vội vã.

Mới đây, HLV Carlo Ancelotti vừa ra mắt cuốn tự truyện “Nhà lãnh đạo thầm lặng”. Trong đó có tiết lộ, người đại diện của Gareth Bale đã trực tiếp gặp chủ tịch Florentino Perez  của Real và muốn thân chủ của mình được đá giữa sân. Ancelotti không đồng ý, dẫn đến mối quan hệ giữa ông và chủ tịch Perez đổ vỡ. Cuối mùa, Ancelotti ra đi. 

Chúng ta sẽ có một cách phán xét chung trong vấn đề này, đấy là thông cảm với Ancelotti, và không thích cách làm của Bale. Sự phán xét này rõ ràng không sai. Tuy vậy, có một điểm sâu xa mà ta không thấy được trong hành động đó của Bale. Đấy là lần đầu tiên trong 6 năm, có kẻ dám đứng ra thách thức vị trí của “đại ca” Ronaldo tại Real. 

Tham vọng luôn muốn hoàn thiện bản thân của Bale đối lập hoàn toàn với sự một màu của các cầu thủ Anh. Không chỉ thế, tư duy của Bale cũng rất khác họ. Hãy nhìn thần đồng một thời của bóng đá Anh, Theo Walcott, cùng độ tuổi, cùng xuất phát điểm từ lò đào tạo Southampton với Bale. 

Thứ vũ khí duy nhất của Theo Walcott cho đến bây giờ vẫn chỉ là tốc độ. Còn Gareth Bale từ hậu vệ cánh, anh lên đá tiền vệ cánh, và giờ muốn đá tiền vệ trung tâm. Từ phòng thủ, Bale lên tấn công, ghi bàn, và giờ muốn cầm nhịp trận đấu. Vũ khí của Bale không chỉ là tốc độ, mà còn là sút phạt, đánh đầu. Còn Theo Walcott, mãi gắn với những bước chạy và chấn thương. 

 Hãy coi Bale là tấm gương cho cầu thủ Anh Bale1

Có rất ít cầu thủ Anh dám rời xứ sương mù để chấp nhận thử thách ở các giải đấu bên ngoài. Nếu có thì cũng đều thất bại, họa may lơ thơ vài ba cầu thủ là đạt được thành công lớn, chẳng hạn như Steve McManaman, hay tạo được hình ảnh truyền thông như David Beckham. Tuy vậy, ngoài thành công rực rỡ, còn tạo nên một hiệu ứng, sẵn sàng thách thức tất cả để khẳng định vị thế ở chốn đất khách quê người, thì trước Gareth Bale, vương quốc Anh không có ai được như thế. 

Ở Bale còn có tình yêu quê hương nồng nàn dành cho một xứ sở nhỏ bé. Trong những ngày EURO 2016 đang diễn ra, tại Xứ Wales có một thị trấn nhỏ được đặt tên là “Bale”. Hành động tri ân đó không chỉ vì Bale đã làm nên lịch sử cho Xứ Wales, mà còn vì tình yêu anh dành cho xứ này. Trong khi tiền bối của anh, Ryan Giggs chia tay đội tuyển quốc gia năm 2007, tức là sớm tới 7 năm so với thời điểm Giggs treo giày tại MU, thì Bale sống như thể để được cống hiến cho màu áo “Rồng đỏ”. 

Đêm nay, trong lượt cuối của bảng B. Giả sử đội tuyển Anh đi tiếp, còn Xứ Wales gục ngã khiến giấc mộng tại Euro lần này thành dang dở, thì con đường mà Bale đi vẫn hiên ngang và kiêu hãnh. Con đường ấy đủ khiến cho những cầu thủ được chiều chuộng ở “đại quốc” phải tự hỏi: rằng ngoài việc sống trong tư duy bảo thủ và những lời “bơm vá” của giới truyền thông, họ đã đi được bao nhiêu bước so với chàng trai ở “tiểu quốc” đó? Chàng trai mà mấy ngày qua họ đã buông lời chế nhạo sau khi thắng anh ấy được một trận.