Người dân tại một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh để quyết định có nên ở lại trong khối 28 nước này không.

Hà Lan, Italy, Pháp muốn làm trưng cầu dân ý giống Anh 000-CA7IZ-9026-1466672480
Một người đàn ông che ô đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở London, Anh, ngày 23/6. Ảnh: AFP.

Người dân Anh hôm nay đi bỏ phiếu để quyết định tương lai nước này và châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Người dân Pháp, Italy và Hà Lan cũng đang có yêu cầu tương tự để quyết định tư cách thành viên của họ trong EU và số phận đồng euro, theo Telegraph.

Các nhà lãnh đạo EU lo sợ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ tạo ra tiền lệ không hay, dẫn đến hàng loạt sự kiện tương tự, khiến liên minh tan rã.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm nay cảnh báo Ankara cũng có thể tổ chức trưng cầu dân ý nhưng là về việc nước này có nên tiếp tục quá trình xin vào EU, vốn bị trì hoãn trong thời gian dài, hay không. Ông cáo buộc EU không muốn đón nhận Ankara bởi Thổ Nhĩ Kỳ có phần lớn dân số là người Hồi giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ được hứa hẹn trở thành thành viên EU từ năm 1963 nhưng cho đến nay vẫn chưa có điều gì xảy ra. "Tại sao họ lại trì hoãn", ông Erdogan đặt câu hỏi.

Các điểm bỏ phiếu tại 362 khu vực ở Anh mở cửa vào 6h00 GMT và kết thúc lúc 21h00 GMT. Kết quả dự kiến được công bố vào khoảng 1h00 GMT đến 3h00 GMT (tức 8h đến 10h sáng giờ Hà Nội) ngày 24/6.

Thủ tướng Anh David Cameron tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ cầm quyền của ông và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.

Phần lớn các khảo sát ý kiến đều cho thấy số quan điểm "rời" và "ở lại" chênh lệch không nhiều. Chiến dịch chọn "rời" cho rằng kinh tế Anh hưởng lợi từ Brexit, tức Anh rời khỏi châu Âu. Thủ tướng Cameron tuyên bố điều này làm kinh tế hỗn loạn.