Được xác định không có động cơ vụ lợi khi ra chủ trương thay ống cốt sợi thủy tinh khiến đường ống nước Sông Đà liên tục bị vỡ, cơ quan tố tụng miễn xử lý hình sự với chủ tịch HĐQT Vinaconex và 4 thành viên.


Ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty CP xuất nhập khẩu VN -Vinaconex”.

Trong hồ sơ chuyển tới VKSND Tối cao, cơ quan này đề nghị truy tố 9 bị can gồm: Hoàng Thế Trung (nguyên giám đốc), Nguyễn Văn Khải (nguyên phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội- Ban Quản lý dự án); Trương Trần Hiển (nguyên trưởng phòng Vật tư thiết bị Ban Quản lý dự án); Trần Cao Bằng (nguyên giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex), Vũ Thanh Hải (nguyên phó giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex); Đỗ Đình Trì (nguyên trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty CP nước và môi trường VN - Viwase) cùng Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, đều nguyên cán bộ của Viwase.

Quote:
5 lãnh đạo Vinaconex được miễn xử lý hình sự vì nhân thân tốt Vo-2852-1448507161-4639-1468645285
Sau hơn 6 năm đưa vào hoạt động, đường ống nước sạch sông Đà đã gặp sự cố gần 20 lần, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng. Ảnh: Bá Đô

Theo kết quả điều tra bổ sung, từ năm 2004, HĐQT Vinaconex lúc đó gồm các ông: Phí Thái Bình (Chủ tịch), Nguyễn Văn Tuân (Tổng giám đốc), Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm (các ủy viên) không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình khi quyết định thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh chưa được thẩm định. Với vai trò chủ đầu tư, các sếp này tiếp tục bị quy kết đã lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng.

Quá trình vận hành, từ ngày 4/2/2012 đến ngày 26/9/2015, đường ống nước Sông Đà đã vỡ liên tiếp 14 lần với 18 cây ống bị phá hủy gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây bức xúc trong xã hội. Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị khai thác đường ống dẫn nước, phải dừng cấp nước hơn 340 giờ gây ảnh hưởng đời sống khoảng 177.000 hộ dân tại Hà Nội.

Cơ quan tố tụng xác định các ông Bình, Tuân, Thành, Thương, Chầm đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ luật Hình sự, nhưng không có động cơ vụ lợi. Trong quá trình điều tra họ khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu. Việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá thành rẻ.

Người chịu trách nhiệm chính là ông Tuân mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nên liên ngành tư pháp trung ương thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên HĐQT Vinaconex.

Về 9 nghi can sắp bị đưa ra xét xử, hồ sơ vụ án thể hiện, thực hiện chủ trương phát triển đô thị và môi trường của chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông với yêu cầu xây dựng hệ thống cấp nước lâu dài, bền vững, Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đầu tư dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội với công suất 600.000 m3 một ngày đêm.

Trong 8 hạng mục chính có tuyến ống truyền tải nước sạch 46km từ nước được làm sạch từ nhà máy đặt tại xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) đến điểm cuối đường vành đai 3, Khuất Duy Tiến (Hà Nội) để phân phối vào mạng lưới, đưa nước đến hộ tiêu dùng.

Vật liệu chính của tuyến ống ban đầu được chủ đầu tư lựa chọn dùng ống gang dẻo với 5 đoạn tuyến ống đường kính 1.500mm, 1.600mm, 1.800mm nhưng sau đó được HĐQT Vinaconex đổi sang ống composite cốt sợi thủy tinh.

Để có sản phẩm này, Vinaconex góp vốn, thành lập Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico). Theo quyết định chỉ định nhà thầu của HĐQT Vinaconex, HĐQT Viglafico ký hợp đồng mua bán dây chuyền sản xuất ống với nhà thầu cung cấp là Công ty TNHH Thương mại Dụ Hòa (Trung Quốc). Đầu năm 2005, thiết bị, dây chuyền sản xuất được nhập về, lắp đặt tại nhà máy đặt trong Khu công nghệ cao Phú Cát, huyện Quốc Oai.

Sau hàng loạt sự cố, Bộ Xây dựng kết luận, tuyến ống liên tục bị vỡ do bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt. Trong đó nguyên nhân chính là chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh Viglafico sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, yêu cầu thiết kế của chủ đầu tư. Các mẫu ống do Bộ thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu. Lỗi này do đơn vị sản xuất không thí nghiệm kiểm tra đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào, không thực hiện các thí nghiệm kiểm tra chất lượng ống để xác định độ bền dài hạn của sản phẩm.

Quá trình thi công, các đơn vị liên quan là Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp ống đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều ống bị lỗi tại mặt cắt ngang như phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước rạn xung quanh thành ống, không đạt độ dày thiết kế, màu sắc và các vật liệu không đồng đều... nhưng vẫn cho lắp đặt.

Những người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát viên hiện trường do không tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy định quản lý đầu tư và xây dựng công trình nên không kiểm soát được chất lượng vật tư. Khi phát hiện những lỗi kỹ thuật trên, giám sát không cho thu hồi các lô ống được sản xuất cùng loại.

Quote:
Để ổn định đời sống của người dân, đầu tháng 10/2015, đường ống nước sạch giai đoạn 2 đã được khởi công để giải cứu cho tuyến ống liên tục gặp sự cố. Tuyến ống này dài 21 km đoạn đi trên trục đại lộ Thăng Long với tổng kinh phí 1.200 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành thi công 21 km tuyến ống số 2 trong năm 2016.
Phương Sơn