Một điều khiến rất nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp ghét là những công ty bắt chước, bản sao của những công ty đã thành công tại các quốc gia khác, đặc biệt là ở Mỹ.
Cuộc chiến chống nạn "đạo" ý tưởng ItGate-Aug23_nhai-Groupon
Mô hình Groupon cũng bị bắt chước tại Đức

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, Đức nổi tiếng là trung tâm của sự đổi mới và sáng tạo, và Berlin bắt đầu nổi lên như thủ đô công nghệ của châu Âu. Tuy nhiên, một công ty mới thành lập đã kịch liệt đả kích những công ty bị coi là bắt chước - bản sao của những công ty đã thành công tại Mỹ. Hiện công ty này đang kêu gọi các nhà doanh nghiệp công nghệ tại thủ đô của Đức hãy tự nghĩ ra nhiều ý tưởng độc đáo hơn.

Trẻ, hợp thời và quan trọng nhất là giá rẻ, không có gì ngạc nhiên khi Berlin trở thành động lực thúc đẩy trong thời đại bùng nổ công nghệ của châu Âu. Thành phố còn gắn với uy tín của Đức về sự đổi mới và sáng tạo, và các nhà doanh nghiệp trẻ được đào tạo đầy đủ lũ lượt kéo về thủ đô của Đức để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Tuy nhiên đối với nhiều người sống trong thời đại công nghệ này thì không phải mọi thứ đều như họ mong muốn. Một điều khiến rất nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp ghét là những công ty bắt chước, bản sao của những công ty đã thành công tại các quốc gia khác, đặc biệt là ở Mỹ. Chỉ đơn giản là lấy cắp ý tưởng, gọi nó bằng một cái tên khác và giới thiệu tại châu Âu trước khi tiếp tục bán cho người khác để nhanh chóng thu lợi nhuận. Chẳng hạn lập trang web về các chương trình giảm giá bắt chước Groupon và cửa hàng thời trang trực tuyến thì học theo Zappos,v.v...

"Đã đến lúc thay đổi"

Tuy nhiên, trong một thế giới mà sáng tạo là tất cả, đã xuất hiện dấu hiệu phản đối các công ty bắt chước. Trong một bài blog gần đây, 6Wunderkinder, một công ty mới thành lập có trụ sở tại Berlin, đã kỷ niệm cái mà công ty gọi là sự trở lại của đổi mới tại Berlin và trên nước Đức. Bài blog viết: "Mọi người coi chúng ta, những nhà sáng lập người châu Âu, như những người giỏi thực hiện chứ không phải giỏi sáng tạo. Đơn giản là vì các nhà doanh nghiệp [Đức] chỉ có thể bắt chước một ý tưởng xuất phát từ nửa bên kia Trái đất và không cần trải qua bất kỳ khó khăn nào, bởi ý tưởng đó đã được thử nghiệm nơi khác rồi."

Bài blog tiếp tục: "Đó là quá khứ. Còn bây giờ đã đến lúc thay đổi."

Jessica Erickson, giám đốc PR của 6Wunderkinder, đồng tác giả của bài blog, giải thích tại sao các công ty bắt chước lại trở thành vấn đề nghiêm trọng: "Thành lập các doanh nghiệp bắt chước chắc chắn đã trở thành xu hướng trong bốn năm gần đây. Nó khiến Đức bị coi là một quốc gia bắt chước và mang lại hình ảnh xấu cho quốc gia trong mắt các nhà đầu tư, những người dẫn dắt dư luận và các blogger có ảnh hưởng lớn trên thế giới."

Cô giải thích rằng rất nhiều công ty ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, chỉ muốn kiếm tiền ngay lập tức. "Họ có thể lấy một ý tưởng hiện tại và nhanh chóng thực hiện ý tưởng đó. Thật dễ dàng khi sao chép một ý tưởng đã được thử nghiệm trên thị trường. Nhưng nếu mọi người đều bắt chước nhau thì sẽ không còn sáng tạo hay đổi mới nữa."

Tuy nhiên hiện nay xu hướng này có vẻ bắt đầu thay đổi. Theo Erickson, bài blog nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ, bởi chính xác thì đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập.

Bắt đầu một cuộc đối thoại thích hợp

Erickson cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy kết quả trong những ngày vừa qua. Chúng tôi đã gửi tweet đến nhà sáng lập của các công ty sáng tạo và tất cả đều rất ủng hộ ý kiến này." Erickson hy vọng sẽ sớm xuất hiện một phong trào. "Mọi người dường như rất sẵn sàng và chúng tôi muốn bắt đầu một cuộc đối thoại thích hợp. Bạn chưa bao giờ lắng nghe các doanh nghiệp nhỏ hơn mới thành lập - lúc nào cũng chỉ có một vài cái tên quen thuộc hay được nhắc đến - vì vậy chúng tôi muốn cả cộng đồng sẽ cùng bàn bạc về vấn đề này một cách hợp lý."

Theo Matthew Bostock, giám đốc cộng đồng của 6Wunderkinder và đồng tác giả của bài blog, thì trên trường quốc tế, Đức luôn là địa điểm của sự sáng tạo với các công ty như BMW và Siemens. "Tuy nhiên gần đây Đức đã để mất danh tiếng đó. Chúng tôi hy vọng có thể thắp lại ngọn lửa đổi mới và kết nối với cộng đồng sáng tạo trước đây."

Bostock cảm thấy tình trạng trì trệ là rào cản lớn nhất. Anh phát biểu: "Với những công cụ không biên giới như Internet và phần mềm, mọi người đều muốn nhìn thấy sự đổi mới, các ý tưởng mới và các giới hạn mới. Điều đó khiến Đức trở thành một quốc gia hết sức trì trệ - hoặc ít nhất đã là như vậy."
NGUỒN:
[Linh Giang (dịch)


itGate (theo TuanVietNam/ Spiegel online)]